|

Lễ cấp sắc của người Dao ở Hà Giang

Đồng bào người Dao sinh sống trải rộng tại các miền rừng núi và một số tỉnh trung du phía Bắc sở hữu một kho tàng văn hóa độc đáo với nhiều phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt là các nghi lễ chu kỳ đời người, trong đó có lễ cấp sắc.

Lễ cấp sắc là gì, nó có nguồn gốc như thế nào và tại sao lại quan trọng đối với người Dao như vậy? Hãy cùng Trải nghiệm Thiên nhiên và Văn hóa Việt tìm hiểu về nghi lễ cấp sắc của người Dao tại Hà Giang để hiểu hơn về ý nghĩa của nghi lễ này.

Theo truyền thuyết của người Dao kể lại rằng, khi xưa tổ tiên người Dao đang sinh sống yên bình trên các triền núi, bỗng dưng ma quỷ xuất hiện. Chúng giết hại bà con, ăn thịt vật nuôi, phá hoại mùa màng, làm cho cuộc sống người Dao vô cùng cực khổ. Trước cảnh ma quỷ lộng hành dưới trần gian, Ngọc Hoàng sai quân lính nhà trời xuống trừ họa cho dân suốt ba tháng mà không hết. Ngọc Hoàng kêu gọi người dân cũng phải tự cứu lấy mình nhưng không thể thắng được ma quỷ. Thấy vậy, Ngọc Hoàng cho các vị thần truyền phép thuật cho những người đàn ông làm chủ trong các gia đình ở làng bản và cấp cho một đạo sắc để cùng với quân nhà trời xuống trần gian để diệt trừ ma quỷ. Nhờ có sự hiệp lực giữa trời và người trần mà ma quỷ bị tiêu diệt. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quay lại quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc cho những người đàn ông làm chủ gia đình để bảo vệ gia đình, cộng đồng. Lễ cấp sắc ra đời từ đó và được đồng bào gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay.

Lễ cấp sắc là nét đẹp trong đời sống tinh thần của đồng bào người Dao. Ảnh: TTXVN

Theo tiếng địa phương, cấp sắc còn được gọi là quá tăng. Quá nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách; tăng là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Bởi vậy, quá tang nghĩa là trải qua lễ soi đèn, xuất phát từ việc thắp đèn soi sáng người thụ lễ khi làm lễ cấp sắc. Vì thế, hiểu một cách đơn giản thì đây là nghi lễ được tổ chức để công nhận một người đã chuyển từ giai đoạn trẻ con lên người đàn ông trưởng thành. Đây là một nghi lễ đã có từ lâu đời và trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao.

Đối với người Dao Chàm hay còn gọi là Dao Áo dài tại Hà Giang, lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi. Ngày thụ lễ được lựa chọn rất kĩ. Người Dao Chàm thường làm lễ cấp sắc cho độ tuổi từ 11-19 tuổi, có khi đến già. Người đàn ông cao tuổi mà chưa trải qua lễ cấp sắc thì cũng bị coi như chưa trưởng thành. Ngược lại, dù còn ít tuổi nhưng đã trải qua lễ cấp sắc thì người đó được phép tham dự bàn bạc những công việc của làng bản, dòng họ, v.v.

Người Dao Chàm mỗi lần chỉ cấp sắc cho một người và tại nhà người đó. Gần đến ngày lễ, gia đình phải cử người mang lễ vật đi mời thầy cúng, người được thụ lễ phải kiêng hò hát, cãi nhau, ngủ chung, v.v.. Để phục vụ lễ nghi và khoản đãi dân làng đến chứng kiến, các gia đình có người thụ lễ phải chuẩn bị các vật thiết yếu như lợn, thóc gạo, rượu, y phục thầy cúng, v.v.. Mỗi nhóm Dao có một cấp bậc cấp sắc, riêng Dao Chàm tại đây cấp 7 đèn. Mỗi lễ cấp sắc phải có 6 thầy cúng đảm nhiệm các nhiệm vụ và các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Các thầy cúng trước khi hành lễ đều phải cúng ma ở bàn thờ tổ tiên nhà mình để xin được phù hộ và đi theo giúp đỡ. Tại nơi hành lễ, họ treo tranh Ngọc Hoàng và các vị thần thánh của người Dao, lập bàn thờ tổ tiên người thụ lễ và bàn thờ các thần thánh. Khi hành lễ, các thầy cúng phải thực hiện rất nhiều bài cúng, múa, điệu bộ phép thuật theo sách cấp sắc; người thụ lễ, có khi cả vợ anh ta cũng phải thực hiện nhiều động tác nghi lễ theo sự chỉ dẫn của các thầy. Người Dao Chàm có một nghi thức gọi là hóa kiếp khá đặc biệt. Theo đó, người thụ lễ phải ngồi xổm, bất động, các ngón tay bắt vào ngón chân khoảng một giờ đồng hồ, rồi mới được thầy đẩy nhẹ cho rơi xuống một cái võng có 3-4 người đỡ. Làm xong lễ hóa kiếp là lễ giáo huấn, lễ thề và lễ đặt tên cấp sắc. Ở tất cả các nhóm Dao, sau khi thực hiện đầy đủ các nghi thức phức tạp và đã cấp sắc cho người thụ lễ xong, các thầy cúng đều phải cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã đến dự thì nghi lễ mới kết thúc. 

Mỗi nhóm Dao có một cấp bậc cấp sắc, riêng Dao Chàm Hà Giang cấp 7 đèn. Ảnh: Trang Le | CCD

Trong lễ cấp sắc còn có rất nhiều điệu múa. Trong đó, rất nhiều điệu múa ngày nay được biểu diễn trên sân khấu chính là được cải biên, trích đoạn từ những bài múa trong nghi lễ cấp sắc. Qua lễ cấp sắc của người Dao còn cho thấy một trình độ thẩm mỹ cao với rất nhiều tranh vẽ, hình cắt giấy trang trí, v.v.

Có nhiều điệu múa trong nghi lễ cấp sắc. Ảnh: TTXVN

Lễ cấp sắc có giá trị lịch sử rất lớn, bởi mỗi lần tổ chức, cộng đồng lại một dịp được nghe lại nguồn gốc xuất xứ của dân tộc mình từ xưa đến nay. Việc này tạo nên lòng tự hào dân tộc to lớn, cộng đồng có cơ hội nhớ lại công lao to lớn của tổ tiên, từ đó suy nghĩ về cuộc sống sao cho xứng đáng với những công lao và truyền thống tốt đẹp đó. Một trong những điểm tạo nên giá trị của nghi lễ này chính là ý nghĩa của các lời răn dạy. Đó là sự hướng tới việc thiện, tuyệt đối không được làm điều ác. Đó là sự tôn trọng người thầy, biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, chung thủy với bạn bè, trọng nghĩa, có lòng vị tha, không phản bội, lừa gạt, không dâm đãng, v.v.. Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và trước cả cộng đồng dòng tộc nên có tác dụng rất lớn. Những điều giáo huấn này còn được ghi lại bằng văn bản, một bản được đốt tại lễ cấp sắc, một bản giao cho người được cấp sắc để lưu giữ suốt đời. Lễ cấp sắc chính là nét văn hóa điển hình trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao, đồng thời góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng và phong phú của đất nước ta.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *